Tinh giản bộ máy nhà nước, ngành công an vẫn “bình chân như vại”

Ngày 14/2, RFA Tiếng Việt có bài: “Tinh giản ngành công an: bỏ chỗ này, tăng chỗ khác”.

Theo đó, RFA cho biết, Tại hội nghị của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 diễn ra vào thượng tuần tháng 1/2025, Trung ương thống nhất tinh gọn bộ máy Chính phủ, giảm từ 18 bộ và 4 cơ quan ngang bộ xuống còn 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ; 8 cơ quan thuộc Chính phủ xuống còn 5 cơ quan trực thuộc.

Chính phủ không duy trì mô hình tổng cục, và tổ chức tương đương thuộc bộ, ngành. Các cục, vụ có nhiệm vụ liên thông, gắn kết thành một đầu mối. Không còn phòng trong vụ.

RFA cho biết thêm, trong đợt tinh gọn bộ máy này, theo ước tính của chính phủ, sẽ có ít nhất 100.000 người bị ảnh hưởng, và ngân sách nhà nước sẽ phải chi 130 ngàn tỷ để giải quyết chế độ cho những người bị mất việc.

Riêng với ngành công an, khi trao đổi với báo chí trong nước về phương án sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ vào đầu tháng 12/2024, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nói rõ, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng không thuộc diện phải tinh gọn.

Tuy nhiên, một tháng sau, tại hội nghị Trung ương khóa 13, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết sẽ tinh gọn tổ chức bộ máy công an theo mô hình 3 cấp là bộ, tỉnh, xã. Bỏ đi cấp huyện.

Báo chí nhà nước lập tức đăng tải một loạt bài báo ca ngợi việc tinh giản nhân sự ngành công an như “Bộ Công an: Tiên phong, đi đầu trong đổi mới sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”; “Bộ Công an gương mẫu đi đầu tinh gọn bộ máy”; “Điều động lực lượng công an chính quy, tinh giản và giảm biên chế”; “Tinh gọn bộ máy – Cuộc cách mạng lớn của Bộ Công an”.

Tuy nhiên, RFA cho hay, chỉ vài tuần sau phát biểu ông Tô Lâm, truyền thông nhà nước đưa tin, công an Hà Nội sẽ tiếp nhận công an cấp huyện về các phòng. Điều đó có nghĩa công an cấp huyện không nằm trong số những người bị ảnh hưởng khi tinh gọn bộ máy.

RFA dẫn lời Giáo sư Carl Thayer, từ Hoa Kỳ, cho biết:

“Tóm lại, lực lượng Công an cấp huyện sẽ tiếp tục hoạt động cho đến khi Quốc hội thông qua luật, cho phép cơ cấu tổ chức mới của Chính phủ và Bộ Công an ban hành Nghị định, quy định chi tiết về cơ cấu tổ chức mới trong đó có việc giải thể lực lượng Công an cấp huyện”.

RFA cho hay, theo một loạt bài viết về việc tinh gọn bộ máy công an trên báo chí nhà nước, ngành công an đã thực hiện giải thể sáu tổng cục, giảm 55 đơn vị cấp cục và gần 300 đơn vị cấp phòng, hơn 1.200 đơn vị cấp đội. Số nhân sự giảm tương ứng là 172 người lãnh đạo cấp cục, hơn 1.500 người lãnh đạo cấp phòng, huyện và hơn 2.300 người lãnh đạo cấp đội.

Đáng chú ý, tất cả số người này được tái bố trí đảm nhiệm các chức danh công an phường, xã, thay vì bị mất việc như công, viên chức ở các bộ-ngành khác.

Nhân sự được điều chuyển từ chỗ này qua chỗ khác khi tinh gọn bộ máy có lẽ chỉ có ở ngành công an.

RFA đặt vấn đề, với cách tinh gọn bộ máy khiến cả trăm ngàn công nhân, viên chức bị ảnh hưởng, vậy mà lực lượng công an “không hề sứt mẻ” thì liệu người dân có hài lòng hay không?

RFA dẫn lời luật sư Đặng Đình Mạnh, cho rằng đây là điều bất công:

“Trong khi yêu cầu tất cả các ngành trong bộ máy chính quyền tinh giản, thì nhân sự Bộ Công an vẫn “Bình chân như vại” thì không chỉ bất hợp lý mà còn bất công. Thực trạng đó đang làm méo mó đi bộ mặt của chính quyền, cùng với nhiều hệ lụy vô lường trong tất cả các mặt đời sống xã hội”.

Tuy nhiên, với uy thế của công an như một lực lượng “kiêu binh” hiện nay, thậm chí được “bảo kê” từ chính người lãnh đạo cao nhất là ông Tô Lâm, vốn từng là người đứng đầu Bộ Công an, thì công chúng dù biết rất rõ cũng không dám có bất kỳ sự phản kháng nào.

Minh Vũ – thoibao.de