Chính sách tinh giản của Tô Lâm đang bị nghẽn lại bởi Chính phủ. Được biết vào chiều ngày 12/2, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thừa ủy quyền của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đã trình bày dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) trước Quốc hội. Trong đó có đề xuất tiếp tục giữ nguyên hội đồng nhân dân cấp quận, phường xã trên cả nước.
Được biết, trong ngày 5/2, tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã đưa ra đề suất sẽ không tổ chức Hội đồng Nhân dân, mà chỉ tổ chức Ủy ban Nhân dân là cơ quan hành chính ở địa phương tại quận, phường, xã thuộc đô thị (gồm thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố).
Cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là kỳ họp trù bị, quyết định chính thức vẫn là kỳ họp chính. Lần này đợi đến kỳ họp chính thức, Phạm Minh Chính giật dây bà Phạm Thị Thanh Trà đề xuất ngược lại chính sách mà Tô Lâm đang ban ra.
Bà Phạm Thị Thanh Trà là người Nghệ An, tuy chỉ là Ủy viên Trung ương Đảng nhưng thời gian qua đã có những bước đi ngược lại chính sách của Tô Lâm. Vì sao lại như vậy?
Hồi giữa tháng 12/2024, bà Trà đã lên truyền thông nói rằng, cần phải có chính sách để không ai bị bỏ lại phía sau khi tinh gọn bộ máy.
Hồi tháng 1 năm nay, bà Bộ trưởng này lại gửi Chính phủ tờ trình dự thảo, trong đó bà tiếp tục đề xuất Hà Nội, Sài Gòn có thể duy trì Sở Quy hoạch Kiến trúc không sáp nhập với Sở Xây dựng và sở Giao thông Vận tải theo đề xuất của Trần Sỹ Thanh trước đó.
Ban Tổ chức Trung ương là cơ quan triển khai chính sách tinh giản trong bộ máy đảng, trong khi Bộ Nội vụ là cơ quan triển khai chính sách tinh giản của Chính phủ. Trong thời gian qua, Ban Tổ chức chỉ thừa hành, không đề xuất những chính sách cản trở, tuy nhiên, Bộ Nội vụ thì lại liên tục muốn cản đường Tô Lâm. Vậy câu hỏi đặt ra là, ai mới là người chủ trương cản đường Tô Lâm? Rất có thể là Thủ tướng.
Bà Phạm Thị Thanh Trà là người giữ 2 chức vụ, bên Chính phủ bà là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, bên Ban Bí thư bà là Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương. Bên Chính phủ, được tín hiệu đèn xanh của Thủ tướng, bà mạnh dạn ra những quyết định cản đường, còn bên Ban Bí thư, bà Trà dưới quyền Lê Minh Hưng nên chẳng cất lên được tiếng nói riêng.
Ông Phạm Minh Chính là một đối thủ chính trị khó lường, Tô Lâm không thể coi thường. Còn nhớ ngày 19/5/2024, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường khi ấy thông báo rằng, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội chưa có nội dung chuẩn bổ nhiệm, hoặc miễn nhiệm đối với chức danh Bộ trưởng Bộ Công an. Tuy nhiên, đến kỳ họp Quốc hội lần thứ 7, Phạm Minh Chính bất ngờ trình Quốc hội miễn nhiệm chức Bộ trưởng của Tô Lâm, khiến ông Tô phải vất vả chiến đấu mới giành lại ghế trống cho đàn em.
Ông Chính không ồn ào nhưng lại biết lựa thời cơ ra đòn. Với cách làm này, Phạm Minh Chính đã trèo lên đến chức Thủ tướng. Đặc biệt là ông Chính đã từng chiến thắng trong thế thua. Đấy là lần ông thắng Vương Đình Huệ trong cuộc đua giành ghế Thủ tướng, mặc dù ông Huệ được Nguyễn Phú Trọng hậu thuẫn.
Được ông Phạm Minh Chính đứng sau lưng, Phạm Thị Thanh Trà hết lần này đến lần lần khác tìm cách cản đường. Nếu không có Phạm Minh Chính chỉ đạo, liệu một Ủy viên Trung ương Đảng như bà Trà có dám “ăn gan hùm” hay không?
Cho đến thời điểm này, Chính phủ và Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội là 2 nơi ra mặt cản trở chính sách tinh giản của Tô Lâm.
Trần Chương-Thoibao.de