Phan Văn Mãi rụng, đối thủ mới lên “võ đài” thách đấu Nguyễn Thanh Nghị

Ngày 18/2, Quốc hội thông qua nghị quyết, bầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Tài chính của Quốc hội. Thật ra số phận của ông Mãi đã được quyết định ở Hội nghị Trung ương bất thường lần thứ 9. Giờ Quốc hội chỉ làm công việc “gật” theo thủ tục.

Bị đẩy sang Quốc hội, xem như Phan Văn Mãi bị tước mất cả quyền lẫn lợi. Giờ đây, vị trí Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố được dành cho người khác. Đó chính là Bí thư Tỉnh Long An Nguyễn Văn Được. Khi Bộ Chính trị điều ông Được về Thành phố, thì Hội đồng Nhân dân Thành phố cũng tiến hành thủ tục bầu như Quốc hội đã làm với ông Phan Văn Mãi.

Như vậy để giành phần trên mảnh đất Sài Gòn, Nguyễn Thanh Nghị thắng Nguyễn Hồ Hải giành chức Phó Bí thư thường trực Thành Ủy, Nguyễn Văn Được thắng Phan Văn Mãi giành chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh. 2 ghế này đều được xem là bệ phóng vào Bộ Chính trị. Thường chỉ 1 trong 2 được vào Bộ Chính trị. Như vậy, Nguyễn Thanh Nghị đang có đối thủ mới.

Về quyền lợi kinh tế, chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố có nhiều cơ hội kiếm chác hơn, về quyền lợi chính trị, cả chức Phó Bí thư thường trực và chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố đều có cơ hội ngang nhau.
Ông Trương Tấn Sang và ông Lê Thanh Hải đều bước vào Bộ Chính trị từ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố. Riêng ông Võ Văn Thưởng thì vào Bộ Chính trị từ vị trí Phó Bí thư thường trực thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Thế lực ủng hộ Nguyễn Thanh Nghị là Ông Nguyễn Tấn Dũng và ông Tô Lâm. Sự hợp tác giữa Ba Dũng và Tô Lâm vừa giúp Tô Lâm mở rộng ảnh hưởng lên các thế lực Miền Nam và cũng nhờ đó, Ba Dũng củng cố sức mạnh cho gia tộc. Ba Dũng đặt trách nhiệm gánh vác lên vai Nguyễn Thanh Nghị.
“Bài tẩy” của Nguyễn Thanh Nghị đã được ngửa, tuy nhiên, Nguyễn Văn Được vẫn đang là ẩn số, đặt biệt là thế lực đứng sau lưng ông Được.
Ghế Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh từ thời ông Lê Hoàng Quân trở đi không được suôn sẻ cho lắm. Ông Lê Hoàng Quân vốn là Bí thư Đồng Nai, về Thành phố Hồ Chí Minh làm Chủ tịch Ủy ban Nhân dân 2 nhiệm kỳ rồi về hưu. Ông Nguyễn Thành Phong và Phan Văn Mãi đều bị loại khỏi cuộc chơi.

Cả vị trí Phó Bí thư thường trực Thành Ủy và Chủ tịch Ủy Ban Nhân dân Thành phố đều nhắm vào ghế Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh. Thông thường, sau khi làm Bí thư thành ủy thì sẽ có cửa rộng để tiến thẳng vào Tứ trụ. Chỉ có ông Trương Tấn Sang bị dính vụ Năm Cam, bị lận đận trong 2 nhiệm kỳ mới vào được Tứ trụ. Còn ông Lê Thanh Hải thì bị dính sai phạm Thủ Thiêm nên phải về vườn. Vậy nên Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Văn Được phải quyết sống mái với nhau để giành cho được chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, nếu giành được chức này, tương lai chính trị sẽ thênh thang.

Sau lưng Nguyễn Thanh Nghị là Tô Lâm. Đó là lợi thế. Tuy nhiên, hiện nay Tô Lâm đang vấp phải sự phản kháng khắp nơi. Đặc biệt từ quân đội và Chính phủ, 2 nhóm này nếu quyết định kết hợp nhau thì Tô Lâm cũng khốn đốn. Nếu Tô Lâm khốn đốn thật thì Nguyễn Thanh Nghị sẩy chân là hoàn toàn có thể.
Vẫn chưa rõ ai hậu thuẫn Nguyễn Văn Được. Tuy nhiên, nếu thế tựa Nguyễn Văn Được không mạnh, nhưng Nguyễn Thanh Nghị “sảy chân” thì ông Được cũng hưởng lợi. Bài học Vương Đình Huệ sảy chân giúp Trần Thanh Mẫn ngoi lên Tứ trụ là một ví dụ điển hình.
Nguyễn Thanh Nghị chưa vào Bộ Chính trị nên vẫn chưa thể nói trước được điều gì. Với bàn cờ chính trị sôi động như hiện nay, có khi đến phút 89 kịch tính vẫn diễn ra.

Trần Chương-Thoibao.de